Bầu Đức là cái tên quá quen thuộc trong làng bóng đá, ông là doanh nhân có niềm đam mê bóng đá mãnh liệt. Từng là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, vậy con đường làm giàu của Bầu Đức như thế nào và ông đã cống hiến những gì cho bóng đá nước nhà?
1. Bầu Đức là ai?
Bầu Đức có tên thật là Đoàn Nguyên Đức, ông sinh ngày 6/12/1962 tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bầu Đức là chủ tịch của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, ông không chỉ là doanh nhân mà còn là người thành lập ra Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Đây là ngôi trường đào tạo bóng đá đầu tiên tại Việt Nam. Ông đã có những đóng góp to lớn cho nền bóng đá nước nhà.
Hiện tại Bầu Đức là người giàu thứ 44 trên sàn chứng khoán. Năm 2008, ông đã đưa cổ phiếu của công ty lên sàn chứng khoán HoSE và nhanh chóng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bầu Đức được tạp chí Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á vào năm 2011.
2. Tuổi thơ nghèo khó của Bầu Đức
Ông sinh ra trong một gia đình có 10 người con, cuộc sống thời niên thiếu của ông cơ cực với những bữa ăn độn khoai và sắn. Bên cạnh việc học, ông vẫn thường dắt trâu ra đồng kéo cày phụ giúp cha mẹ. Trong tâm trí của cậu bé chăn trâu thuở đó chỉ có ước muốn học thật giỏi để thoát nghèo.
Nhưng mọi thứ trở nên sụp đổ khi ông trượt đại học vào năm 1982, cả 4 lần đi thi sau đó ông đều gặp thất bại. Dường như, cánh cổng đại học không dành cho ông và có lẽ đó cũng là định mệnh để ông quyết tâm làm giàu theo một hướng khác. Vì người ta vẫn thường nói “đại học không phải và cánh cổng duy nhất để dẫn đến thành công”.

3. Con đường làm giàu của Bầu Đức
Mặc dù không có cơ hội bước chân vào đại học nhưng với nghị lực và ý chí ông quyết tâm đi lên bằng việc điều hành một phân xưởng mộc. Làm thuê một thời gian, đã đủ tiền vốn, ông mở một xưởng nhỏ để đóng bàn ghế cho học sinh, đây có lẽ là quyết định khởi nghiệp đầu tiên của Bầu Đức.
Những việc lớn nhỏ trong xưởng đều tự tay ông làm, đến khi việc kinh doanh đã ổn định và phát triển, ông quyết định mở rộng sang sản xuất hàng nội thất và dấn thân sang nhiều lĩnh vực.
Ông mở xí nghiệp Hoàng Anh Pleiku vào năm 1993, đến năm 2006 đổi tên thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai. Công ty của ông kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như: cao su, thủy điện, khai thác khoáng sản, gỗ, kinh doanh địa ốc và bóng đá.
Công ty của Bầu Đức niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên vào năm 2008 với mã là HAG. Tổng vốn hóa thị trường vào năm 2010 của công ty Bầu Đức là 22,524.09 tỷ đồng.
Ông đã từng thất bại khi đầu tư vào cao su, vào những năm 2007 – 2008 cao su liên tục rớt giá cùng với thất bại trong lĩnh vực mía, đường. Cuối năm 2018, doanh nghiệp của Bầu Đức mắc phải những khoản nợ lớn. Điều này khiến cho giá cổ phiếu của ông rớt trầm trọng. Giữa cơn khủng hoảng đó, Chủ tịch Tập đoàn Ôtô Trường Hải – Thaco Trần Bá Dương đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL, điều này giúp Bầu Đức vượt qua vũng lầy. Tổng tài sản của Bầu Đức vào năm 2019 là 2.632,04 tỷ VNĐ.
Vào năm 2008, ông bỏ tiền túi để mua một chiếc máy bay riêng, ông đã dùng nó để phục vụ cho công việc chung của tập đoàn. Bầu Đức không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực bóng đá, ông còn được nhiều người biết đến trong các lĩnh vực như: Địa ốc, thủy điện, khai khoáng, mía đường,...

4. Bầu Đức và tình yêu dành cho nền bóng đá Việt Nam
Ông là người có niềm đam mê với bóng đá mãnh liệt, những điều đầu tiên của bóng đá Việt Nam dường như đều do Bầu Đức tạo ra. Ông sẵn sàng chi tiền để đầu tư cho bóng đá Việt, cụ thể:
Vào năm 2007 Bầu Đức mở học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG trên cơ sở hợp tác với Arsenal. Ông cũng đã từng mua một cầu thủ hàng đầu Đông Nam Á là Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng.
Những cầu thủ nổi tiếng của làng bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Lương Xuân Trường, Quảng Hải, Tuấn Anh,…đều được đào tạo tại học viện bóng đá của Bầu Đức. Cũng chính ông là người thuyết phục HLV Park Hang-seo đến với bóng đá Việt Nam để làm nên những kỳ tích cho bóng đá nước nhà. Ông cũng là người mạnh tay bỏ tiền túi để trả lương cho HLV Park Hang-seo trong 2 năm.
Bầu Đức dường như là linh hồn của làng bóng đá, ông cống hiến cả cuộc đời cho nền bóng đá Việt Nam. Trải qua hơn nửa đời người với những thăng trầm, đã từng thất bại và cũng đã từng thành công. Những gì ông có được bây giờ có lẽ là tình yêu mà ông dành cho bóng đá. Với mong muốn bóng đá Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, ông đã làm những việc mà không phải người Việt nào cũng đủ bản lĩnh và niềm đam mê để dấn thân.